HƯỞNG ỨNG NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH - 21/4/2021-
HƯỞNG ỨNG NGÀY HỘI ĐỌC SÁCH - 21/4/2021-
Có lẽ điều tuyệt vời nhất đối với em là được sang thăm ông bà ngoại. Hàng năm cứ vào dịp nghỉ hè em lại được bố mẹ cho sang ở với ông bà một tháng.
Nhưng năm nay thật đặc biệt, chưa đến hè em đã có được niềm vui đó – vì con COVID – 19- bố mẹ đi làm, chị học cấp 3 nên đi học, một mình ở nhà buồn, em được bố mẹ cho sang ở với ông bà. Vừa để ông bà vui, vừa được chơi với anh trai con bác đang học lớp 9 và còn một niềm vui, niềm đam mê nữa…
Ngoại em năm nay 79 tuổi, cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi rồi nhưng ông không cho phép mình rảnh bất kì lúc nào. Mặc dù tuổi cao lại bị thương mất một cánh tay, một mảnh đạn vẫn nằm trong đầu trong trận đánh Mỹ ở Khe Sanh nhưng ông chưa một lúc nào rảnh . Ông nuôi gà, trồng rau, trồng hoa, trồng các loại cây ăn quả…Ông bà là siêu thị lớn của gia đình em!
Hàng ngày được ông cho em tham gia vào mọi công việc : Cho gà ăn đúng giờ, làm cỏ vườn, bắt sâu cho rau.. . Chiều đến lại được ông dẫn quanh làng vừa đi thể dục vừa ngắm hoàng hôn buông…
Ngoại thường kể em nghe những câu chuyện xa xưa từ thời ông còn nhỏ cho em nghe rồi đến những năm tháng đi kháng chiến. Ở cạnh ông em thấy mình như như sống lại tuổi thơ cùng ông, luôn được quan tâm và yêu thương. Đặc biệt ở bên ông em được ông rèn cho một thói quen, mà đến bây giờ nó đã trở thành niềm đam mê của em, đó là Đọc sách!
Tủ sách của ông có nhiều loại, cũ, cũ lắm cũng có, mới cũng nhiều. Đôi lúc em có hỏi ông: Sao ông nhiều sách vậy? Ông cười và bảo: Ông tích lũy từ nhiều nguồn.
Ông đi chiến trường chống Mỹ rồi về học Đại học sư phạm khoa Lịch sử, Thầy giáo dạy Sử mà, nhiều sách về Văn, Sử lắm! Em rất thích.
Có rất nhiều cuốn sách lịch sử em được đọc: “ Các triều đại nhà Nguyễn” ; “ Danh nhân Hưng Yên” ; “ Hào kiệt Lam Sơn” ; “ Bão táp triều Trần” …có những cuốn em đọc chưa hiểu, em lại hỏi ông, thích nhất là nghe ông kể về các triều đại phong kiến Việt Nam, về các vị vua và đặc biệt về Bác.
Mẹ em bảo ngày còn nhỏ, ông mua cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng về cho mẹ đọc, mẹ đọc đi đọc lại, càng đọc càng thấy kính trọng, khâm phục Bác, mẹ cũng mê học văn từ đó. Nhưng thật tiếc cuốn sách đó trong tủ sách giờ không còn, ông kể, ông cho học trò mượn rồi bạn ấy quên không trả…Nhưng không sao, ông sẽ cho con đọc cuốn Cha và Con của tác giả Hồ Phương.
Và em đã miệt mài, chăm chú đọc cuốn sách trong suốt những ngày qua, những ngày nghỉ chống dịch COVID – 19.
Đây là tác phẩm viết về Bác nhưng lại dành đa số trang viết để miêu tả, khắc họa hình ảnh cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người cha của chủ tịch Hồ Chí Minh. Sách được in khổ 16 x 24 cm, dày 375 trang do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2012, của tác giả Hồ Phương. Sách in lần thứ 6. Bìa sách nổi bật với màu xanh nhã nhặn của nền trời, mặt biển trong xanh và màu xanh non mượt mà của thảm cỏ. Nổi bật trên nền xanh ấy là hình ảnh hai cha con đang hướng về nơi xa xăm. Mặt sau của cuốn sách là lời đề từ giãi bày tình cảm và suy nghĩ của nhà văn.
“Cha và con” đã khắc họa chân dung Bác Hồ từ khi là cậu bé 10 tuổi đến khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Không gian được mở rộng từ Làng Sen, làng Chùa (Nam Đàn-Nghệ An), kinh đô Huế, Phan Thiết nơi cụ thân sinh của Bác dạy học đến Sài Gòn, nơi Nguyễn Tất Thành nhận thức được rằng “Muốn đánh Pháp phải hiểu được Pháp” và lên đường tìm một con đường giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận một sự thật rằng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc một nhà sĩ phu yêu nước, một người cha đã định hình cho nhân cách Hồ Chí Minh từ cách sống, cách suy nghĩ đến con đường cứu nước từ thuở Hồ Chủ tịch còn thơ. Chính sự định hình này, mà Bác Hồ trở thành một thiên tài của dân tộc, một danh nhân văn hóa của nhân loại.
Tình cảm cha con giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tình cảm của người cùng lý tưởng và chí hướng hiếm có trong cuộc đời. Những lời dạy bảo đầy yêu thương mà kiên định lập trường “vì nước quên thân” của Cụ đã tiếp thêm sức mạnh cho người con trai trên con đường cứu dân, cứu nước.
Chàng thiếu niên trong cuốn sách Cha và con được miêu tả là một chú bé hiếu động, lanh lợi như mọi đứa trẻ khác thời bấy giờ. Nhà văn Hồ Phương tâm sự: “Tôi cố gắng viết sao cho người đọc không có cảm giác Hồ Chủ Tịch là thần thánh từ khi còn trẻ thơ". Trong cuốn tiểu thuyết, nhà văn còn miêu tả tình bạn trong sáng giữa cậu học trò Nguyễn Tất Thành và Phượng Quý, một bạn gái người Huế. Một chặng đường gian khó trong muôn vàn gian khó mà người đọc thấy được đó là con đường tất yếu để đến được với thành công.
Cuốn sách gồm 6 chương.
Chương 1: Giới thiệu về gia đình và tuổi thơ của cậu bé Côn (tên gọi lúc nhỏ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh).
Chương 2: Cậu bé Côn, anh Khiêm theo cha đến Thanh Chương - Nghệ An dạy học.
Chương 3: Hành trình của ba cha con vượt đèo Ngang vào Huế nhận chức.
Chương 4: Kể cho người đọc chứng kiến sự sụp đổ của triều đình Huế.
Chương 5: Chặng đường chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn vào Bình Khê để từ giã cha, dấn thân vào một cuộc ra đi không hẹn ngày về.
Chương 6: Hành trình thầy giáo Nguyễn Tất Thành dời Phan thiết vào Sài Gòn.
Đọc cuốn tiểu thuyết, em thấy hiểu hơn về con người, về quá trình tu dưỡng, rèn luyện và trau dồi tài năng, nhân cách của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời thấy được tâm huyết và tình cảm kính yêu chân thành, trong sáng của nhà văn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Cha và con” không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn trở thành một cái nhìn mới, cái nhìn về gốc rễ đó tạo nên một Hồ Chí Minh vĩ đại cho đến tận ngày nay và mai sau.
Song Mai, ngày 25 tháng 3 năm 2020
Nhóm Hoa Học Trò