Thursday, 16/01/2025 - 00:39|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Song Mai

KỂ CHUYỆN LỊCH SỬ - NHÂN NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ 7/5/1954 - TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ.

Đặc trưng của lịch sử là không bao giờ lặp lại, nếu có lặp lại cũng không nguyên xi. Do đó dẫn đến đặc trưng của dạy học lịch sử là giáo viên không thể tái hiện lại lịch sử trong phòng thí nghiệm, học sinh không thể trực quan sinh động được các nhân vật, sự kiện, hiện tượng lịch sử đã xảy ra trong quá khứ. Nhiệm vụ của người giáo viên là phải tạo cho học sinh biểu tượng lịch sử, nhận thức đúng đắn các vấn đề lịch sử và rút ra bài học kinh nghiệm vv…Một trong những biện pháp để thực hiện điều đó là sử dụng truyện kể lịch sử, bởi truyện kể lịch sử có ý nghĩa rất to lớn.

Thứ nhất: Truyện kể lịch sử góp phần tạo biểu tượng lịch sử, khôi phục lại bức tranh quá khứ một cách sinh động, chân thực.

Thứ hai: Truyện kể lịch sử góp phần làm sáng tỏ bản chất của sự kiện, khắc hoạ sâu sắc chân dung nhân vật lịch sử.

Thứ ba: Thông qua truyện kể lịch sử đã giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức cho học sinh một cách nhẹ nhàng, sâu sắc. Từ đó góp phần hoàn thiện nhân cách tốt đẹp cho các em.

Như vậy, sử dụng truyện kể lịch sử một cách đúng đắn, hợp lí chính là biện pháp đổi mới có hiệu quả trong dạy học lịch sử, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường.

Nhân ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cùng các em kể và nghe một số mẩu chuyện lịch sử.

KÍ ỨC XE THỒ ĐIỆN BIÊN

Thời chống Pháp, có một “binh chủng” đặc biệt, góp phần làm nên chiến thắng – “binh chủng xe thồ”. Người Pháp từng thú nhận thua trận ở Việt Nam xuất phát từ những chiếc xe đạp thồ.

Thuở nhỏ, thằng bạn nhà bên cạnh ông nội có chiếc xe đạp thồ, thường dùng để chở củi, ngô và lúa về nhà, khối lượng vận chuyển gần bằng xe trâu nhưng đi nhanh hơn. Nó tự hào lắm, vì chiếc xe đạp thồ ấy từng theo chân ông nội nó đi dân công hỏa tuyến, chở hàng ra tận Tây Bắc, Điện Biên.

 

Thi thoảng, ông nội nó kể lại những kỷ niệm về những chuyến tải gạo ra chiến trường, những vất vả, hiểm nguy nhưng cũng vô cùng tự hào và oanh liệt.

Lúc ấy, chúng tôi nghĩ rằng Điện Biên xa lắm cũng chỉ bằng ở làng bên, dốc Pha Đin và đèo Lũng Lô có lẽ hiểm trở như hai con dốc cao ở dãy núi phía sau nhà...

Lớn thêm một chút, học lịch sử, chúng tôi mới biết Điện Biên rất đỗi xa xôi và hiểm trở, bốn bề bao quanh là núi, giữa là thung lũng mênh mông, việc tiếp tế cho chiến dịch vô cùng gian khó.

Chỉ có chiếc xe thồ mới vượt qua được những cung đường nghìn trùng cheo leo, hiểm trở và chỉ có đôi bàn chân mới bám trụ được nơi khe suối và những vũng lầy.

Rồi có lần được đọc bài viết "Ký ức xe thồ" của CCB Trần Nhật Hợi ở Diễn Hạnh (Diễn Châu) lại hiểu thêm về cuộc hành trình của người nông dân xứ Nghệ cùng chiếc xe thồ vượt hàng trăm cây số chi viện cho chiến trường Tây Bắc.

Ông Hợi kể rằng, giữa tháng 3/1954, tiểu đội dân công hỏa tuyến của ông làm cọc chống khung, phuốc giả và buộc tay ngai, cọc thồ cho xe rồi lên đường.

Chuyến đầu tiên, ra tới dốc Hoàng Mai, gặp mưa, đường trơn, trời tối, lại chưa quen với việc đẩy xe nên bị ngã và tụt lại phía sau, người Tiểu đó phó phải quay lại tìm và hỗ trợ mới đi tiếp được. Đêm đi, ngày nghỉ lại nhà dân, đi hết những con đường gập ghềnh ở miền Tây Thanh Hóa, rồi sang Hòa Bình, Sơn La và tìm đường đến Lai Châu, về lòng chảo Điện Biên.

Theo quy định, mỗi người phải chở 100kg hàng, ông Trần Nhật Hợi lúc ấy còn nhỏ tuổi, đi lại chưa nhiều nên được anh Tiểu đội phó nhận chở giúp 20kg.

Chỉ còn 80kg nhưng loay hoay mãi cũng không bắc được hàng lên xe, anh em trong tổ phải ra tay giúp đỡ. Nhưng rồi ngày càng quen, mỗi chuyến đi là một sự nỗ lực, chuyến thứ 3 trở đi ông chở đủ 100kg, rồi sau đó lên 150kg, 180 kg và 200kg.

Trên đường đi, nhiều người bị cơn sốt rét rừng hành hạ, ông Hợi cũng vậy, những lúc như thế phải nằm lại, tạt xe bên lên đường nằm trùm chăn kín mít. Những ai may mắn sẽ gặp các đơn vị bộ đội hành quân đi qua, quân y sẽ giúp bằng cách tiêm liều thuốc ký ninh để cắt cơn sốt để tiếp tục hành trình.

Mỗi lúc lên dốc cao, qua suối sâu, cả đoàn phải dừng lại, giúp nhau đẩy từng chiếc xe một.

Những chuyến đi luôn vất vả nhưng rất vui, trên đường mọi người cùng hát hò, đọc thơ, đọc vè khiến đường xa thêm gần, hàng trên xe bớt nặng. Chuyến cuối cùng vào đầu tháng 5/1954, ai cũng biết chiến thắng đã đến rất gần nên xin được thồ hàng lên tận mặt trận.

Phía trước chưa đầy 10km nữa là Điện Biên Phủ, mọi người hay tin địch đã đầu hàng vô điều kiện, dân công được lệnh đẩy xe thồ quay trở lại.

Đường tắc nghẽn vì đoàn xe chở tù binh nườm nượp về xuôi, ông Hợi và những người khác quyết định tạm bỏ xe thồ bên đường để lên mặt trận chứng kiến tận mắt cảnh chiến thắng của quân ta.

Nhưng đi được vài cây số thì có ba-ri-e chặn lại, một đơn vị bộ đội đứng gác vì xung quanh đang có bom nổ chậm. Nài nỉ mãi, cuối cùng các anh bộ đội cho mượn ống nhòm, leo lên đài quan sát để xem trận địa.

Qua ống nhòm, những lô cốt và lỗ châu mai đen ngòm nằm ngổn ngang, rồi những đường hầm chi chít chạy quanh lòng chảo Điện Biên, cơ man nào là những chiếc dù trắng địch thả xuống từ máy bay còn nằm mắc trên ngọn cây... Ông được các anh bộ đội cho mấy tấm dù làm kỷ niệm, đó chính là kỷ niệm từ chiến trường Tây Bắc - Điện Biên.

Ông Trần Nhật Hợi từng được gặp và vô cùng ngưỡng mộ ông Cao Văn Tỵ, quê ở Thanh Hóa - người được anh em phong là "Kiện tướng xe thồ", trông nhỏ thó nhưng mỗi chuyến chở tới 320kg hàng. Sau này, những lần tới tham quan Bảo tàng Quân khu 4 (Thành phố Vinh), chúng tôi lại hiểu hơn về người con xứ Thanh này.

Chiếc xe đạp thồ của ông Tỵ được gia cố thêm khung, vành và tay lái, dọc thân được buộc thêm một thanh ngang có thể gánh được tới 200kg hàng. Vành và nan hoa cũng được nẹp thêm bằng những thanh tre để tăng khả năng chịu lực, nhờ đó sức tải của xe được tăng lên gấp nhiều lần.

Hiện, chiếc xe của ông Cao Văn Tỵ đang được trưng bày tại bảo tàng, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về những vất vả, gian nan cũng như sự sáng tạo, ý chí, quyết tâm của những người đi trước và thêm nâng niu, trân trọng cuộc sống hôm nay.

Được biết, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vùng Liên khu 4 (chủ yếu là Thanh – Nghệ - Tĩnh) đã huy động 250.000 lượt người đi dân công, huy động hơn 11.000 chiếc xe đạp thồ để vận chuyển 15.000 tấn gạo và 400 tấn thực phẩm chi viện cho chiến trường.

Có thể nói vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh chính là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng.

Và chiếc xe đạp thồ chính là hiện thân của ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, góp phần công phá "Pháo đài bất khả xâm phạm" của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, khiến đội quân viễn chinh này phải đón nhận sự thất bại cay đắng.

Vì lẽ đó, sinh thời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: "Nếu không có Thanh - Nghệ - Tĩnh thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ, không có thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp".

 

CHUYỆN KÉO PHÁO Ở CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

 

Sau 11 ngày trăn trở và 1 đêm mất ngủ, cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi đến quyết định, bằng mọi giá phải lui quân và kéo pháo ra...

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” được đánh giá là có ý nghĩa quyết định thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, để đưa ra quyết định lùi quân và kéo pháo ra giữa lúc quân ta vừa trải qua những ngày gian khổ để kéo pháo vào trận địa và đang sẵn sàng chờ lệnh tiến công là rất khó khăn. Câu chuyện kéo pháo vào, kéo pháo ra thắng lợi đã lý giải rất nhiều điều về sức mạnh của quân đội ta, cả về trí, lực và tinh thần tất cả cho chiến thắng.

Một cuộc gặp giữa hai người lính, một pháo binh, một bộ binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa giữa TP.HCM. Cả hai đều không thể quên đoạn đường 15 km thấm đẫm mồ hôi và máu khi kéo những khẩu lựu pháo 105 ly với sức nặng 2,2 tấn. Trời mưa, đường trơn, đồi dốc, nhưng gian khổ không ngăn được ý chí của hàng vạn chiến sỹ quyết tâm kéo 24 khẩu lựu pháo và 36 khẩu pháo cao xạ kịp thời gian tấn công.

Thế nhưng, khi pháo vừa vào đến trận địa thì lại được lệnh phải lui quân và kéo pháo ra. Đại tá Bùi Văn Nghĩa, Nguyên đại đội phó, đại đội 39, tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, đại đoàn 312 nhớ lại: “Lúc bấy giờ, mọi người rất hoang mang, đồng thời rất thắc mắc vì kinh qua một thời gian được giáo dục, rèn luyện để lập công trong dịp này để giải phóng Tây Bắc, giải phóng Điện Biên Phủ, nhưng Đại tướng lại ra lệnh rút quân và kéo pháo ra, chúng tôi sẵn sàng làm nhiệm vụ, mặc dầu trong tư tưởng cũng có nhiều vấn đề, từ cán bộ, chiến sỹ thắc mắc lo lắng tại sao lại như vậy”.

Đại tá Hoàng Minh Phương, Nguyên Trợ lý Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nhớ hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải quấn lá ngải cứu trên đầu sau 1 đêm mất ngủ. Mặc dù thời điểm tấn công đã lui lại 5 ngày và lui tiếp thêm 1 ngày nữa, nhưng yếu tố chắc thắng vẫn chưa có. Các báo cáo từ chiến trường mặc dù cho thấy quyết tâm rất cao, nhưng đã xuất hiện nhiều bất lợi.

Đại tá Hoàng Minh Phương: “Đêm 25/1, Đại tướng thức trắng không ngủ, trăn trở bởi vì đa số bảo đánh nhanh, thắng nhanh, nhưng bây giờ pháo vào trận địa rồi, bao nhiêu mồ hôi và xương máu đã đổ của hàng ngàn con người trên đường kéo pháo. Không đánh, bảo anh em lui quân kéo pháo ra. Đây là sự rất bất ngờ, một sự trái ngược hẳn với chiều hướng của ta, nhất là bộ đội kéo pháo. Chưa nói bộ binh cũng gian khổ. Kéo pháo phải trả bằng máu”.

Sau 11 ngày trăn trở và 1 đêm mất ngủ, cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi đến quyết định, bằng mọi giá phải lui quân và kéo pháo ra. Quyết định này như một gáo nước lạnh dội vào khí thế tiến công đang lên rất cao. Nhưng với tinh thần: Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuyết phục được các cán bộ trong Đảng uỷ đồng ý lui quân để bảo toàn lực lượng.

Đại tá Hoàng Minh Phương: Nhà sử học Bularen năm 1982 có viết tác phẩm “Tướng Giáp suýt thua trận ở Điện Biên Phủ” và ông nói, quyết định đó Tướng Giáp đánh cược cả sinh mệnh chính trị của mình…

Con đường kéo pháo ra gian khổ hơn lúc kéo pháo vào. Lá nguỵ trang bị héo, địch đã nắm được tình hình nên bắn phá dữ dội. Sức người đã suy giảm sau 1 quãng đường dài kéo pháo vào. Nhưng vượt lên trên tất cả, việc kéo pháo ra đã thành công đúng kế hoạch.

Đại tá Huỳnh Đãi Chiếu sau đó đã sáng tác một bài hát mang tên “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, trong đó, ông hát về vị Tổng tư lệnh, hát về tình cảm giữa lực lượng pháo binh và bộ binh trong những ngày kéo pháo.

 

Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Hôm qua : 37
Tháng 01 : 268
Năm 2025 : 268